Ung thư tiền liệt tuyến là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nam giới. Đây là một căn bệnh khá nguy hiểm, gây ra các vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị đúng cách bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
1. Tìm hiểu chung về ung thư tiền liệt tuyến
Tuyến tiền liệt là tuyến chỉ có ở nam giới, vị trí nằm ở dưới bọng đái, phía trước ruột già. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, có chức năng vô cùng quan trọng đối với quá trình sinh sản, vì đây là bộ phận sản sinh ra tinh dịch và vận chuyển tinh trùng.
Ung thư tiền liệt tuyến hay còn gọi là ung thư tuyến tiền liệt, là bệnh thường gặp ở nam giới, hình thành do tế bào tuyến tiền liệt phát triển không bình thường hoặc mất kiểm soát. Thông thường, bệnh phát triển chậm trong giai đoạn đầu, nếu phát hiện và điều trị sớm người bệnh có thể sống được nhiều năm, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh chuyển biến sang mức độ nặng thì tốc độ phát triển bệnh rất nhanh chóng, thậm chí có thể gây tử vong.
Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt hiện chưa được làm rõ, nhưng theo một số nghiên cứu, ung thư tiền liệt tuyến bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn và gen của người bệnh. Những người ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Giai đoạn ung thư tiền liệt tuyến
Giai đoạn I: Mô ung thư chỉ được phát hiện ở tuyến tiền liệt, trông giống như một mô tuyến tiền liệt bình thường.
Giai đoạn II: Khối u có thể phát hiện thông qua thăm khám trực tràng, sinh thiết hay xét nghiệm PSA trong máu. Ở giai đoạn này các tế bào ung thư chưa có dấu hiệu di căn sang các bộ phận khác, nhưng đã có dấu hiệu phát triển nhanh hơn giai đoạn I.
Giai đoạn III: Tế bào ung thư đã xâm lấn sang các mô xung quanh tuyến tiền liệt, ngoài ra có thể lây lan sang túi tinh.
Giai đoạn IV: Tế bào ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết, trực tràng, bàng quang hay thậm chí tới các bộ phận xa như xương, gan, phổi.
Nhờ sự phát triển vượt bậc của y học, chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau và đạt hiệu quả cao; trong đó nổi lên là phương pháp xét nghiệm PSA trong máu giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Bằng phương pháp này, người mắc bệnh có thể được phát hiện kịp thời, thậm chí bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Một nghiên cứu về ung thư tiền liệt tuyến với đối tượng là người Mỹ da trắng, cho biết tiên lượng bệnh phụ thuộc giai đoạn phát hiện bệnh, tỷ lệ sống trên 5 năm khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là gần 100%, trong khi đó tỷ lệ khi phát hiện ở thời điểm tế bào ung thư đã di căn là 34%.
3. Phác đồ điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Dựa vào tình trạng bệnh của từng người, ví dụ như tình trạng di căn của khối u, độ mô học, nồng độ PSA trong máu, tuổi và sức khỏe của người bệnh thì bác sĩ sẽ chẩn đoán và cho các phương pháp điều trị khác nhau.
3.1 Theo dõi tình hình bệnh
Trong trường hợp bệnh nhân dưới 60 tuổi, bị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn T1a, chỉ cần theo dõi chặt chẽ và không tiến hành điều trị. Phương pháp theo dõi đơn thuần thường áp dụng với trường hợp mô bệnh học thấp, khối u khu trú tại tuyến tiền liệt và chưa di căn ra ngoài.
3.2 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ với nguồn năng lượng lớn giúp triệt tiêu các tế bào ung thư. Phương pháp này mang lại hiệu quả tức thì và có thể chỉ định sử dụng với mọi giai đoạn bệnh khi cần thiết.
Đối với trường hợp mắc bệnh ở giai đoạn T3, phương pháp thông thường được áp dụng là xạ trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh tuổi tác cao hay tình trạng sức khỏe không được tốt, có thể xem xét không tiến hành xạ trị do tình trạng phát triển bệnh ở những người này thường rất chậm.
3.3 Điều trị nội tiết
Mục đích của việc điều trị nội tiết là giảm thiểu nội tiết tố nam, qua đó kìm hãm sự phát triển của bệnh. Điều trị nội tiết tố có 2 phương pháp cơ bản là triệt tiêu nội tiết tố nam bằng phẫu thuật tinh hoàn và bằng thuốc nội tiết (trong trường hợp bệnh nhân chống chỉ định phẫu thuật hay từ chối phẫu thuật).
Trường hợp bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, khối u đã di căn, có thể kết hợp điều trị nội tiết với xạ trị, tùy theo thể trạng của từng người. Nếu khối u đã di căn nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng, có thể đợi khi xuất hiện triệu chứng mới tiến hành điều trị, vì tác dụng của thuốc không phụ thuộc vào khoảng thời gian chờ này.
3.4 Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt
Đây là phương pháp hiệu quả điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sớm. Với phương pháp này, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, tùy từng trường hợp có thể cắt bỏ túi tinh và nào hạch hai bên vùng chậu nhằm loại bỏ triệt để tế bào ung thư khi chưa di căn ra các bộ phận khác. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng bệnh của từng người mà chỉ định phẫu thuật hở hay nội soi.
Bài viết thực hiện bởi G3VN dưới sự hỗ trợ từ Trung tâm LIFE.