Trước tình hình nguồn thuốc ARV viện trợ sẽ bị quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS cắt giảm trong những năm sắp tới, dẫn đến những khó khăn, thách thức cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng như bản thân người nhiễm HIV.
Tình hình hiện tại
Từ năm 2019, việc điều trị cho người nhiễm HIV bằng kháng thuốc ARV sẽ chuyển từ miễn phí sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế. Theo như thống kê của trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trong 6 tháng đầu năm của năm 2018, thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 2430 trường hợp nhiễm HIV mới, con số này đã tăng lên 732 trường hợp so với cùng kì vào năm 2017. Những năm gần đây, trong khi tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm người tiêm chích ma túy, mại dâm đã giảm dần thì tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người chuyển giới và nam có quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng liên tục từ năm 2013.
Theo các cuộc khảo sát, có khoảng 19% người chuyển giới nữ đang sống với HIV, và so với dân số chung, tỷ lệ người chuyển giới nữ sống chung với HIV cao hơn 49 lần.
Bảo hiểm y tế và cộng đồng TG-MSM
Cộng đồng LGBT đặc biệt là nhóm TG-MSM phải đối mặt với nguy cơ cao nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục do chưa có nhiều kiến thức về các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, có cùng lúc nhiều bạn tình, tiêm chích ma túy và một phần cũng do sự kì thị. Sự kì thị và phân biệt đối xử cũng tác động nhiều đến đến khả năng tiếp cận và lựa chọn dịch vụ của cộng đồng TG-MSM. Nhu cầu chăm sóc y tế của các nhóm LGBT khá cao cần được chú trọng, nhưng họ đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe đặc biệt là trong việc điều trị HIV. Trong trường hợp phát hiện dương tính với HIV phải điều trị ARV để giảm nguy cơ cho bản thân và cho bạn tình. Vốn dĩ đã có nhiều rào cản để LGBT đến gần với các dịch vụ y tế nay lại phải đối mặt với việc chi trả chi phí điều trị ARV do nguồn viện trợ bị cắt giảm. Vì vậy tham gia bảo hiểm y tế là một điều vô cùng cần thiết. Từ năm 2019, Quỹ bảo hiểm y tế Việt Nam sẽ thanh toán đầy đủ các dịch vụ điều trị HIV/AIDS và thuốc kháng virus ARV cho người nhiễm HIV, mở ra nhiều cơ hội được chăm sóc và điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS nói chung và người đông tính nhiễm HIV nói riêng. Hiện tại chi phí thấp nhất cho việc điều trị ARV của mỗi bệnh nhân HIV/AIDS là khoảng hơn 4 triệu đồng/năm. Nhưng đối với những bệnh nhân kháng thuốc phải chuyển qua phác đồ điều trị khác thì mức chi phí có thể tăng gấp 7-8 lần. Như vậy, người nhiễm HIV phải chi trả một số tiền khá lớn cho thuốc ARV nếu không có bảo hiểm y tế. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí ARV khi tham gia bảo hiểm y tế người nhiễm HIV cũng được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội,….
HIV/AIDS đã được thế giới nhìn nhận như là một bệnh mãn tính, việc điều tri ARV là liên tục và suốt đời. Tham gia bảo hiểm y tế sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người, đặc biệt với người nhiễm HIV. Do đó, bệnh nhân HIV/AIDS nói chung và người TG-MSM nhiễm HIV nói riêng cần phải tự tin vượt qua những rào cản tự ti, chủ động tham gia bảo hiểm y tế vì lợi ích của bản thân và xã hội.